QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH TRẺ TỰ KỶ & CÁC RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN KHÁC
QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH TRẺ TỰ KỶ & CÁC RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN KHÁC
Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn vô hình, vì không có xét nghiệm về y tế như xét nghiệm máu, … có thể chẩn đoán được. Như chúng tôi có đề cập trong bài viết trước là chỉ đến khi đứa trẻ chào đời, phát triển thì các chuyên gia như nhà tâm lý trẻ em, bác sĩ tâm thần dựa vào sự phát triển của trẻ, các công cụ hỗ trợ chẩn đoán, tiêu chí chẩn đoán và nhãn quan lâm sàng mới có thể phát hiện ra được. Do đó để xác định rối nhiễu cần phải có một quy trình chẩn đoán rõ ràng và cụ thể.
Quy trình chẩn đoán gồm có 3 bước:
- Sàng lọc phát triển
- Công cụ chẩn đoán
- Tiêu chí chẩn đoán
Chúng ta sẽ đi vào bước đầu tiên của Quy trình chẩn đoán đó là Sàng lọc phát triển:
Sàng lọc phát triển là gì?
Sàng lọc phát triển là quá trình trong đó nhà chuyên môn sử dụng các công cụ để tìm hiểu các mốc phát triển về hành vi, vận động, ngôn ngữ, cảm xúc của một đứa trẻ.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo sàng lọc phát triển và hành vi cho tất cả trẻ em trong các lần khám trẻ thường xuyên ở độ tuổi này: 9 tháng tuổi, 12 tháng tuổi, 18 tháng tuổi và 24 – 36 tháng tuổi. Nếu con bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề phát triển do sinh non, nhẹ cân, rủi ro môi trường như phơi nhiễm chì hoặc các yếu tố khác, nhà chuyên môn có thể thảo luận và đề nghị sàng lọc bổ sung. Nếu một đứa trẻ có một vấn đề sức khỏe kéo dài hoặc một tình trạng được chẩn đoán, đứa trẻ nên được theo dõi và sàng lọc phát triển trong tất cả các lĩnh vực phát triển.
Các công cụ dùng để sàng lọc phát triển.
Hiện có nhiều bộ công cụ sàng lọc phát triển khác nhau, tùy vào khả năng và mong muốn của một nhà chuyên môn mà nó được sử dụng. Các bộ công cụ sàng lọc được sử dụng phổ biến hiện nay: Denver II, ASQ 3, MCHAT, …
Tại sao sàng lọc phát triển lại đóng vai trò quan trọng?
Vì nó giúp phát hiện sớm những rối nhiễu đang tiềm ẩn gây cản trở sự phát triển của trẻ. Ví dụ: Một đứa trẻ chậm nói có thể là do chậm phát triển ngôn ngữ đơn thuần, cũng có thể có liên quan đến tự kỷ vì tự kỷ chậm trễ về mặt ngôn ngữ hoặc không có ngôn ngữ. Hay một đứa trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý không chỉ đơn giản là tăng động giảm chú ý mà nó là rối loạn phổ tự kỷ có kèm theo rối loạn tăng động …
Bước 2 Công cụ chẩn đoán
Sau kết quả của công việc sàng lọc nhà chuyên môn có thể nhận diện được rối loạn tiềm ẩn. Tùy các rối loạn mà sử dụng công cụ hỗ trợ chẩn đoán khác nhau.
Khi trẻ có nhiều dấu hiệu đặc trưng của tự kỷ thì sử dụng công cụ Thang đánh giá tự kỷ ở trẻ em (CARS), Lịch trình quan sát chẩn đoán tự kỷ chung (ADOS-G), Thang đánh giá tự kỷ của Gilliam - Ấn bản thứ hai (GARS-2)…
Một đứa trẻ có các biểu hiện chậm phát triển trí tuệ, các công cụ chẩn đoán được sử dụng trong trường hợp này đó là: Trắc nghiệm vẽ hình người, trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn Raven màu, trắc nghiệm trí tuệ của Weschler, …
Mặc dù các công cụ hỗ trợ chẩn đoán rất cần thiết trong quá trình chẩn đoán nhưng vẫn không phải là tất cả hay đủ để có thể khẳng định, vẫn rất cần kinh nghiệm của nhà chuyên môn và hơn hết vẫn phải có tiêu chí chẩn đoán.
Thêm nữa cũng cần có sự tham gia của các xét nghiệm y tế có thể bao gồm kiểm tra thính giác và thị lực, xét nghiệm di truyền, xét nghiệm thần kinh và xét nghiệm y tế khác.
Tiêu chí chẩn đoán là bước cuối của quy trình chẩn đoán
Tiêu chí chẩn đoán là việc nhìn nhận các rối nhiễu đó một cách khoa học, được các nhà khoa học nghiên cứu thực nghiệm mang tính giá trị, độ hiệu lực cao. Mỗi một tiêu chí chẩn đoán mang một nhãn mác riêng và mã chẩn đoán riêng. Hiện nay các nhà Tâm lý học và Tâm thần học trên thế giới sử dụng Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối nhiễu tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ viết tắt là DSM, đến nay đã có ấn bản DSM V (2013). Còn các bác sĩ tâm thần kinh, nhi khoa hay sử dụng Bảng phân loại Quốc tế về thống kê các loại bệnh của tổ chức Y tế thế giới ICD 10.
Ai có thể chẩn đoán các rối nhiễu này?
- Bác sĩ nhi khoa phát triển (Bác sĩ được đào tạo đặc biệt về sự phát triển của trẻ em và trẻ em có nhu cầu đặc biệt).
- Bác sĩ thần kinh trẻ em (Bác sĩ làm việc trên não, cột sống và dây thần kinh).
- Nhà tâm lý học trẻ em hoặc Bác sĩ tâm thần (Bác sĩ biết về tâm trí con người).
Như vậy một quy trình chẩn đoán phải bao gồm đủ các bước này mới có thể xác định một cách khoa học về rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn phát triển khác. Trong đó năng lực của nhà chuyên môn đóng một vài trò quan trọng, quyết định trực tiếp nhất đến kết quả chẩn đoán.
Thạc Sĩ Tâm Lí Học Nguyễn Viết Thanh.
Tài liệu tham khảo:
Lord C, Risi S, DiLavore PS, Shulman C, Thurm A, Pickles A. Tự kỷ bên ngoài từ 2 đến 9 tuổi. Arch Gen tâm thần học. Tháng 6 năm 2006; 63 (6): 694-701.
http://www.cdc.gov/ncbddd/autism
http://www/cdc.gov/ncbddd/Childdevelopment
THAM VẤN TRỊ LIỆU TÂM LÍ THIÊN ÂN
Địa chỉ: Số 21/3, đường Yersin, tổ 4, Khu phố 1, Phường Phú Cường,
TP. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.
Hotline: 034.4004.780 – 0972.120.601
Webisite: www.thamvantrilieutamlythienan.com
Email: Thamvantrilieutamlythienan@gmail.com - Thanhnguyentlh2806@gmail.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- MỐI QUAN HỆ GIỮA RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ GIẤC NGỦ
- EINSTEIN MỘT NHÀ VẬT LÝ HỌC VĨ ĐẠI VỚI NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘI CHỨNG ASPERGER – TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý KHÔNG BIẾN MẤT KHI ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH
- RỐI LOẠN THAM GIA XÃ HỘI – MỐI NGUY ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ AN TOÀN CỦA TRẺ
- TUỔI THỌ NGẮN Ở NHỮNG NGƯỜI RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
- RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ VÀ ADHD: TƯƠNG ĐỒNG – KHÁC BIỆT
- TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ CŨNG CÓ THỂ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD)
- SỰ PHÁT TRIỂN TỐT/XẤU CỦA TRẺ PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO CHA MẸ
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN TUỔI THỌ
- RỐI LOẠN GIÁC QUAN - MỘT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TỰ KỶ
- PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP/TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ
- TỰ KỶ - NỖI OAN ĐƯỢC GIẢI SAU NHIỀU THẬP KỶ