RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý LÀ GÌ?
RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý LÀ GÌ?
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – viết tắt ADHD) mô tả những trẻ có biểu hiện thường xuyên các triệu chứng kém chú ý, tăng hoạt động, xung động không phù hợp theo tuổi, những triệu chứng này đủ để gây ra suy kém các hoạt động chủ yếu trong đời sống hằng ngày (APA, 2000).
- Theo sổ tay chẩn đoán thống kê các rối nhiễu tâm thần của Hiệp hội tâm thần học Hoa kỳ DSM - IV – TR thì tuổi khởi phát sớm trước 7 tuổi. Các triệu chứng hiện diện trong hơn 6 tháng, sự xáo trộn của rối loạn này gây ra sự suy yếu đáng kể về mặt xã hội, học vấn, hoặc hoạt động chức năng.
- Rối loạn này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ của trẻ với mọi người. Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này. Lứa tuổi hay mắc là từ 8 đến 11, trẻ trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần trẻ gái, khi trưởng thành, bệnh có xu hướng giảm, ở tuổi 20 tỉ lệ mắc còn chừng 1% và ở tuổi trung niên là 0,5%. Còn ở Việt Nam theo một nghiên cứu trên 1.594 học sinh ở hai trường tiểu học tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 3,01% [1]. ADHD là một trong những rối loạn được chẩn đoán thường xuyên nhất ở tuổi nhỏ. Khoảng 3-5% ở tuổi đến trường, cũng có những bằng chứng cho thấy rối loạn này giảm đi cùng với sự lớn lên của tuổi tác, đặc biệt là đối với trẻ trai. Theo Costello và cộng sự (2003), tỷ lệ 2,2% ở tuổi 9; 1,4% ở tuổi 12 và 0,3% ở tuổi 16. Tỷ lệ ở nữ là 0,3% và ở nam là 1,5%. [3].
- Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý:
- Không chú ý đến chi tiết.
- Gặp khó khăn trong việc tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động.
- Xuất hiện quên trong các hoạt động hàng ngày.
- Có chú ý ngắn và dễ bị phân tâm.
- Cẩu thả, bất cẩn - ví dụ, trong khi làm bài tập ở trường.
- Không thể nghe hoặc thực hiện hướng dẫn.
- Không thể ngồi yên một chỗ.
- Chồm lên chồm xuống khi ngồi trong ghế.
- Rời khỏi chỗ ngồi trong những tình huống không thích hợp.
- Nói quá nhiều.
- Nhanh nhảu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi.
- Cảm thấy khó chịu khi phải chờ đến lượt mình.
- Ngắt hoặc xâm nhập vào cuộc trò chuyện.
-Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) gồm có 3 loại:
+Loại 1 kém chú ý:
- Dễ bị phân tâm, bỏ lỡ chi tiết, quên mọi thứ và thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác.
- Gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung vào một nhiệm vụ.
- Trở nên chán với một nhiệm vụ chỉ sau vài phút, trừ khi làm điều gì đó họ thấy thú vị.
- Khó tập trung sự chú ý vào việc tổ chức hoặc hoàn thành một nhiệm vụ.
- Gặp khó khăn khi hoàn thành bài tập về nhà, thường mất đi những vật dụng cần thiết (ví dụ như bút chì, tẩy, tập bài tập) do sử dụng rồi lơ đễnh vứt đi hoặc bỏ quên đâu đó khi chuyển sang sử dụng vật khác.
- Gặp khó khăn khi xử lý thông tin nhanh và chính xác như những người khác.
- Gặp khó khăn khi hiểu chi tiết; nhìn ra chi tiết. [2].
+Loại 2 tăng động, bốc đồng:
- Nói chuyện nhiều, không ngừng.
- Chạm vào hoặc chơi với mọi vật và mọi thứ trong tầm mắt.
- Gặp khó khăn khi ngồi yên trong bữa tối, trường học và trong khi làm bài tập về nhà.
- Liên tục vận động, chạy nhảy, leo trèo, tay chân luôn chuyển động ngay cả khi ngồi một chỗ cũng khua chân, múa tay…
- Gặp khó khăn khi thực hiện các công việc hoặc hoạt động buộc phải yên tĩnh.
- Hay thiếu sự kiên nhẫn.
- Nói ra những bình luận không phù hợp, thể hiện cảm xúc mà không kiềm chế, và hành động mà không quan tâm đến hậu quả.
- Gặp khó khăn khi chờ đợi những thứ họ muốn hoặc chờ đến lượt mình trong trò chơi.
- Thường xuyên làm gián đoạn, phá hỏng cuộc trò chuyện hoặc hoạt động của người khác. [2].
+Loại 3 là kết hợp kém chú ý và tăng động, bốc đồng.
Những nghiên cứu dịch tễ học điều tra về các loại ADHD cho thấy loại 1 kém chú ý (Inattentive type) là loại thường gặp nhất chiếm khoảng từ 4,5-9% trẻ em trong dân số chung. Loại kết hợp chiếm từ 1,9-4,8%, ngược lại loại tăng động và cẩu thả, bốc đồng chỉ chiếm khoảng 1,7-3,9% (Brown,2000). Tỷ lệ này ngược lại với các chẩn đoán được thực hiện trong các mẫu đến khám lâm sàng, trong mẫu này loại ADHD kết hợp là loại thường gặp nhất. [3].
- ADHD và các rối loạn đi kèm:
ADHD và hành vi phá vỡ: Có sự phối hợp giữa ADHD và những hành vi phá vỡ (Disruptive behaviors), ở khoảng 7 tuổi có khoảng 54-67% trẻ được gởi đến khám lâm sàng có ADHD và cũng được chẩn đoán là rối loạn thách thức chống đối (Oppositional defiant disorders). Có khoảng 20-50% trẻ sẽ có rối loạn cư xử (Conduct disorder) đi kèm ở tuổi thiếu niên (khoảng 8-9 tuổi) và khoảng 44-50% trẻ được chẩn đoán là rối loạn cư xử ở tuổi vị thành niên. Khi trở thành người lớn , rối loạn cư xử vẫn còn tồn tại khoảng 26% trường hợp. [3].
ADHD và rối loạn cư xử thường khởi phát sớm ở nam nhiều hơn nữ . Nếu có vấn đề đi kèm sẽ làm cho trẻ khó khăn hơn trong việc liên hệ với bạn bè, thầy cô giáo, cha mẹ, và ở những nơi khác. Trẻ nam được chẩn đoán là ADHD có hành vi gây hấn đi kèm cũng dễ bị trầm cảm và có lòng tự trọng thấp hơn so với trẻ nam bị ADHD nhưng không có hành vi gây hấn. Trẻ có ADHD và rối loạn cư xử dễ có nguy cơ sử dụng chất gây nghiện ở tuổi vị thành niên và dễ có hành động phạm tội ở tuổi trưởng thành ( Satterfield & Schnell,1997). [3].
ADHD và khuyết tật học tập nghiên cứu cho thấy xảy ra trong khoảng 20-30% trẻ bị ADHD. Khuyết tật học tập có thể bao gồm các vấn đề về phát triển và rối loạn ngôn ngữ và rối loạn kỹ năng học tập. ADHD, tuy không được coi là một khuyết tật học tập, nhưng nó thường xuyên gây khó khăn ảnh hưởng đến việc học tập, do không tập trung, chú ý kém, chỉ chú ý làm việc riêng nên việc ghi nhớ bài, làm bài bị hạn chế, dẫn đến học sa sút, chán nản. [1].
ADHD và rối loạn giấc ngủ thường cùng tồn tại. Chúng cũng có thể xảy ra như một tác dụng phụ của các loại thuốc dùng để điều trị ADHD. Ở trẻ bị ADHD, chứng mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất với liệu pháp hành vi là cách điều trị ưu tiên. Vấn đề với việc bắt đầu giấc ngủ là phổ biến ở những người mắc chứng ADHD nhưng thường họ sẽ ngủ sâu và gặp khó khăn đáng kể khi thức dậy vào buổi sáng. [1].
- Bạn nhận thấy con của mình có các dấu hiệu và triệu chứng ở trên, hãy đưa chúng đến các chuyên gia tâm lý để được xác định chính xác loại ADHD và có những liệu pháp can thiệp thích hợp. Vì rối loạn ADHD ảnh hưởng rất nhiều đến đứa trẻ, đặc biệt là vấn đề học tập, sau này khi vào cấp 1 với hoạt động chủ đạo là “học tập” trẻ không tập trung, kém chú ý là một trở ngại lớn nhất để tiếp nhận tri thức dẫn đến học kém, chán học.
ThS. Tâm Lí Nguyễn Viết Thanh
Tài liệu tham khảo
1. https://wikipedia.org/wiki/Rối_loạn_tăng_động_giảm_chú_ý.Truy cập ngày 23/7/2017.
2. https://en.wikipedia.org/wiki/Attention_deficit_hyperactivity_disorder. Truy cập ngày 10/5/2018
3. Tamlyhocthankinh.com.Ttruy cập ngày 5/8/2018
THAM VẤN TRỊ LIỆU TÂM LÍ THIÊN ÂN
Địa chỉ: Số 21/3, đường Yersin, tổ 4, Khu phố 1, Phường Phú Cường,
TP. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.
Hotline: 034.4004.780 – 0972.120.601
Webisite: www.thamvantrilieutamlythienan.com
Email: Thamvantrilieutamlythienan@gmail.com - Thanhnguyentlh2806@gmail.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- MỐI QUAN HỆ GIỮA RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ GIẤC NGỦ
- QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH TRẺ TỰ KỶ & CÁC RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN KHÁC
- EINSTEIN MỘT NHÀ VẬT LÝ HỌC VĨ ĐẠI VỚI NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘI CHỨNG ASPERGER – TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý KHÔNG BIẾN MẤT KHI ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH
- RỐI LOẠN THAM GIA XÃ HỘI – MỐI NGUY ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ AN TOÀN CỦA TRẺ
- TUỔI THỌ NGẮN Ở NHỮNG NGƯỜI RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
- RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ VÀ ADHD: TƯƠNG ĐỒNG – KHÁC BIỆT
- TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ CŨNG CÓ THỂ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD)
- SỰ PHÁT TRIỂN TỐT/XẤU CỦA TRẺ PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO CHA MẸ
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN TUỔI THỌ
- RỐI LOẠN GIÁC QUAN - MỘT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TỰ KỶ
- PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP/TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ