RỐI LOẠN THÁCH THỨC CHỐNG ĐỐI ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN TRẺ?
RỐI LOẠN THÁCH THỨC CHỐNG ĐỐI ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN TRẺ?
Khái niệm rối loạn thách thức chống đối:
- Trong môi trường học đường, không ít các thầy / cô nhất là các giáo viên chủ nhiệm thường than phiền về các học sinh “Cá biệt” của lớp mình quản nhiệm. Các em này hay tranh cãi gay gắt với người lớn, cố tình gây mất trật tự trong lớp học, hay kiếm chuyện với các bạn trong lớp, thù hằn, thường xuyên tức giận, … Làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của chính bản thân các em, ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp, của trường. Các bậc phụ huynh cũng cảm thấy phiền lòng khi đứa con của mình ngày càng khó bảo, ngang ngạnh ương bướng, luôn giận dữ và tranh cãi gay gắt với mình… Nếu các biểu hiện này chỉ nhất thời và nhanh chóng mất đi thì đó chỉ là những khó khăn tạm thời do sự thay đổi về tâm, sinh lý. Nhưng những biểu hiện này lặp đi lặp lại và kéo dài trên 6 tháng thì có thể là biểu hiện của rối loạn chống đối.
- Oppositional nghĩa là: Chống lại, đối lập, phản đối. Defiant nghĩa là: Có tính cách thách đố, khiêu khích; ngoan cố, bất phục tùng. Disorder nghĩa là: Làm rối loạn, làm mất trật tự. Làm cho đau bệnh, gây rối loạn (chức năng của cơ thể). Làm hỗn loạn, náo loạn. Như vậy cụm từ Oppositional Defiant Disorder tạm dịch là: Rối loạn thách thức chống đối hay rối loạn thách thức đối lập.
- Rối loạn thách thức chống đối là một vấn đề về hành vi ở trẻ em đặc trưng bởi sự không vâng lời liên tục và thái độ thù địch. Khoảng 1 trong 10 trẻ em dưới 12 tuổi được cho là có rối loạn thách thức chống đối, với các em trai nhiều hơn số em gái tỉ lệ 2:1. RLCĐ là một trong một nhóm các rối loạn hành vi được gọi chung là rối loạn hành vi gây rối, trong đó bao gồm hành vi rối loạn và rối loạn tăng động thiếu chú ý. [3].
- Tóm lại “Rối loạn thách thức chống đối” đó là một dạng rối loạn của hành vi xảy ra ở trẻ em dưới tuổi thành niên, các biểu hiện của rối loạn chống đối đó là tranh cãi gay gắt với người lớn, lòng đầy thù hận, xem thường các quy tắc, phá vỡ luật lệ, đổ lỗi cho người khác, khó chịu, dễ mất bình tĩnh, cố ý làm phiền người khác, … Rối loạn chống đối có thể là tiền thân của rối loạn cư xử, ngoài ra các cá nhân có RLCĐ còn có nguy cơ cao bị rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lạm dụng chất, rối loạn bùng phát gián đoạn, …
- Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rối loạn chống đối có thể là tiền thân của rối loạn cư xử, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội sau này [4, tr. 7]. Một số trẻ được chẩn đoán là rối loạn chống đối sẽ tiếp tục phát triển thành rối loạn cư xử [5]. Dường như có một mối quan hệ giữa các rối loạn chống đối, rối loạn cư xử và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Cụ thể, nghiên cứu đã chứng minh sự liên tục các rối loạn mà rối loạn cư xử thường được chẩn đoán ở trẻ em trước đây đã được chẩn đoán có rối loạn chống đối, và hầu hết người lớn bị rối loạn nhân cách chống xã hội trước đây đã được chẩn đoán có rối loạn cư xử. Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% trẻ em được chẩn đoán có rối loạn cư xử đã được chẩn đoán trước đó có rối loạn chống đối. Hơn nữa, cả hai rối loạn chia sẻ các yếu tố nguy cơ có liên quan và các hành vi gây rối, cho thấy rối loạn chống đối là một tiền thân phát triển và biến thể nhẹ hơn của rối loạn cư xử. Tuy nhiên, điều này không phải xảy ra ở tất cả các cá nhân. Trong thực tế, chỉ có khoảng 25% trẻ em có rối loạn chống đối sẽ nhận được một chẩn đoán sau này của rối loạn cư xử. Tương ứng, có một liên kết được thiết lập giữa rối loạn cư xử và việc chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội như một người lớn. Trong thực tế, các tiêu chuẩn chẩn đoán hiện tại cho rối loạn nhân cách chống xã hội đòi hỏi phải có chẩn đoán rối loạn cư xử trước tuổi 15. Tuy nhiên, một lần nữa, chỉ có 25-40% số trẻ có rối loạn cư xử sẽ phát triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội [2].
Dấu hiệu trẻ có rối loạn thách thức chống đối:
- Dễ dàng giận dữ vì một chuyện rất nhỏ và khó kiểm soát được cơn giận dữ.
- Tranh cãi gay gắt với cha mẹ; thầy, cô; bạn bè; mọi chuyện và chẳng bao giờ chịu nhún nhường.
- Xem thường lời nói của người lớn, mặc cho người lớn khuyên can điều tốt/xấu.
- Thể hiện sự phẫn nộ rõ ràng trên khuôn mặt (mặt đỏ ửng, mím chặt môi, nghiến răng…), hét lớn tiếng, bàn tay nắm chặt.
- Dễ mất bình tĩnh, dễ nổi cáu.
- Tìm cách phá hoại tài sản, lấy cắp đồ dùng học tập của bạn bè.
- Không tuân thủ nội quy của lớp của trường cố ý đi trễ, không thuộc bài, nói chuyện trong giờ học,…
- Nói năng ngang ngược, tỏ ra bất cần đời, bất chấp lẽ phải.
- Từ chối không làm theo những yêu cầu của người lớn.
- Lòng đầy thù hận và luôn tìm cách để trả thù.
- Cố tình làm phiền người những xung quanh như chọc phá, nói khiêu khích,...
Rối loạn thách thức chống đối ảnh hưởng đến trẻ:
- Các công trình nghiên cứu về rối loạn thách thức chống đối trên thế giới đều có cùng một kết quả đó là trẻ nam chống đối nhiều hơn trẻ nữ với tỷ lệ là 2:1. Trong công trình nghiên cứu “Rối loạn chống đối và thực trạng trẻ có rối loạn chống đối tại Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Lê Thị Minh Hà và Lê Nguyệt Trinh, Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ nam (69.6%) có rối loạn rối loạn chống đối cao hơn nữ (30.4%). Số trẻ rối loạn chống đối tập trung nhiều nhất ở trẻ 8 tuổi (30.43%), số trẻ 11 và 12 tuổi ít nhất (2.174%).
- Nhưng mới đây, năm 2017, trong công trình nghiên cứu của một tác giả trên trẻ vị thành niên tại thành phố Tây Ninh thì kết quả rối loạn chống đối ngược lại, số trẻ nữ lại nhiều hơn trẻ nam. Tỷ lệ có biểu hiện rối loạn chống đối ở học sinh trung học cơ sở tại thành phố Tây Ninh là 14 trường hợp, chiếm 2,002 % trên tổng số 699 em học sinh thuộc 3 khối lớp 7, 8, 9 của 2 trường đại diện là trung học cơ sở Võ Văn Kiệt và Nguyễn Trãi. Trong 14 trường hợp rối loạn chống đối thì trường Võ Văn Kiệt chiếm 8 học sinh nhiều hơn so với trường Nguyễn trãi là 6 học sinh; khối 7 ít nhất chỉ với 1 em, khối 9 nhiều nhất với 7 em và khối 8 là 6 em; rối loạn được phân theo giới tính thì số học sinh nữ chiếm nhiều hơn so với học sinh nam với 9 em nữ nhưng chỉ có 5 em nam. Biểu hiện rối loạn chống đối gồm có chống đối ngầm và chống đối công khai.
- Rối loạn thách thức chống đối ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân trẻ, trẻ có rối loạn chống đối thường chống lại nội quy, phá vỡ các quy định nề nếp, không tuân thủ các yêu cầu của thầy, cô khi được giao bài tập về nhà, khi yêu cầu chú ý nghe giảng, về nhà không học bài, không làm bài tập, … Trẻ không làm theo các yêu cầu của thầy, cô, phá bướng, vì thế việc tiếp nhận tri thức trở nên khó khăn. Có nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn chống đối thường đi kèm với rối loạn tăng động giảm chú ý [1]. Kết quả là trẻ không có kiến thức lúc trả bài miệng, thiếu hụt kiến thức làm bài thi, do đó kết quả học tập bị giảm sút. Kết quả học tập giảm sút, trẻ cảm thấy lo sợ khi về nhà sẽ bị cha mẹ trách phạt, để tránh không bị trách phạt trẻ tìm cách nói dối, đổ lỗi cho thầy, cô giảng bài không hiểu, do chấm bài gắt cho điểm thấp, … Những tiếp nối này vô tình đưa trẻ vượt lằn ranh giới của chống đối sang lằn ranh rối loạn cư xử (Đó là nói dối). Với trẻ vị thành niên rối loạn thách thức chống đối còn có nguy cơ cao rối loạn trầm cảm, rối loạn lạm dụng chất gây nghiện như thuốc lắc, cần sa, ma túy, … khi thách thức nhau trong việc sử dụng các chất gây nghiện này. Ngoài ra còn có nguy cơ rối loạn bùng nổ cơn giận liên tục vì lúc nào cũng có sẵn tâm thế “chống đối”.
- Rối loạn thách thức chống đối ảnh hưởng gián tiếp đến những người xung quanh, trẻ có RLCĐ, ở nhà khiến cha mẹ buồn lòng, đứa con ngoan ngoãn của mình ngày nào, giờ trở nên ương bướng khó bảo, thường xuyên giận dữ, tranh cãi tay đôi với mình, … Anh chị em trong nhà cũng xa lánh, không dám tiếp cận gần gũi như trước nữa vì “Tự nhiên chị ấy/anh ấy, em ấy hay cáu gắt lắm”. Lúc ở trường, giáo viên chủ nhiệm cảm thấy chán học sinh cá biệt này, vì khuyên bảo hết lời cũng không chịu nghe và thay đổi, …
- Như vậy Rối loạn thách thức chống đối ảnh hưởng không hề nhỏ đến bản thân trẻ, đến những người xung quanh. Phụ huynh thấy con của mình có các dấu hiệu trên trong độ tuổi từ 3 – 18 tuổi, trẻ có thể rối loạn thách thức chống đối và nên đưa trẻ đến tham vấn, trị liệu rối loạn này trước khi quá muộn. Nếu không kịp thời can thiệp rối loạn này có thể xâm lấn, chuyển sang thành rối loạn cư xư với các hành vi như trộm cắp, trốn học, đốt phá hoại của công, trốn nhà chơi qua đêm, bắt nạt đe dọa người khác, xâm hại tình dục người khác, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, …
ThS. Tâm Lý Học Nguyễn Viết Thanh
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thị Minh Hà, (2013), Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, “Thực trạng và giải pháp giáo dục trẻ tăng động giảm chú ý tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
2. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/oppositional -defiant-disorder-odd. Truy cập ngày 15/5/2017.
3. https://wikipedia.org/wiki/Conduct_disorder. Truy cập ngày 18/7/2017.
4. ODD A Guide for Families by the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry, www.aacap.org, Page 7.
5. www.Tamlyhocthankinh.com. Truy cập ngày 12/7/2017.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- MỐI QUAN HỆ GIỮA RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ GIẤC NGỦ
- QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH TRẺ TỰ KỶ & CÁC RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN KHÁC
- EINSTEIN MỘT NHÀ VẬT LÝ HỌC VĨ ĐẠI VỚI NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘI CHỨNG ASPERGER – TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý KHÔNG BIẾN MẤT KHI ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH
- RỐI LOẠN THAM GIA XÃ HỘI – MỐI NGUY ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ AN TOÀN CỦA TRẺ
- TUỔI THỌ NGẮN Ở NHỮNG NGƯỜI RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
- RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ VÀ ADHD: TƯƠNG ĐỒNG – KHÁC BIỆT
- TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ CŨNG CÓ THỂ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD)
- SỰ PHÁT TRIỂN TỐT/XẤU CỦA TRẺ PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO CHA MẸ
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN TUỔI THỌ
- RỐI LOẠN GIÁC QUAN - MỘT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TỰ KỶ
- PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP/TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ