TÂM TRẠNG CỦA CHA MẸ CÓ CON NHẬN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TỰ KỶ
TÂM TRẠNG CỦA CHA MẸ CÓ CON NHẬN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TỰ KỶ
Ai trong chúng ta làm cha mẹ cũng mong muốn đứa con của mình khỏe mạnh, thông minh, … đó là niềm tự hào, niềm hãnh diện với cộng đồng xã hội. Nhưng chẳng may đứa trẻ “nhà mình” lại không được như những đứa trẻ nhà kế cạnh, nó trở nên lầm lũi một góc, không màng quan tâm đến người xung quanh, gọi tên cũng không đáp lại, ánh mắt chú tâm quá mức vào 1 vật thể, có khi nhìn xa xăm ngàn dặm, tự xoay tròn vòng vòng một mình, … Rồi một hôm nó bất chợt nhận được một chẩn đoán “Rối loạn phổ tự kỷ”.
“Đây là sự thật sao”; “Đó thực sự là một điều hết sức tồi tệ, không, không thể nào” … Bạn yêu con của mình, đánh giá rất cao các cột mốc phát triển mà bạn chứng kiến, nó có những đặc điểm rất riêng, khiến cho nó đáng yêu, xinh đẹp và thông minh như bao đứa trẻ khác. Bạn đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con của mình, sau này nó sẽ trở nên nổi tiếng, trở thành một bác sĩ thật giỏi tốt nghiệp loại ưu làm trong những bệnh viện lớn, … Rất nhiều những kỳ vọng và giờ đây mọi thứ dường như đang sụp đổ, đôi mắt nhòe đi, tai ù và bầu trời dường như đang đổ sập xuống.
Các trạng thái tâm lý của bạn hiện giờ đi theo một tiến trình thế này:
Mô hình đau buồn nổi tiếng nhất là Elisabeth Kubler-Ross “năm giai đoạn đau buồn”: Từ chối, giận dữ, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận. (Michael A. Ellis, DO, 2018) . [1].
Từ chối: Trạng thái tâm lý đầu tiên của bạn, tự trong đáy lòng của mình bạn liên tục chối bỏ thực tại, những suy nghĩ tích cực xuất hiện để trấn an bạn “chắc chuyên gia chẩn đoán nhầm, làm gì tự kỷ”; “tự kỷ ư? Chắc chắn cũng có thuốc trị”. Bạn cố nhớ lại những hình ảnh đứa con của bạn lúc mới sinh, nó bụ bẫm, trắng hồng hào, sự phát triển thể lý của nó phát triển theo thời gian, nó cũng biết bò từ rất sớm, biết chững, biết đi mau kia mà… Bạn cũng kể với chồng/vợ kể với những người thân yêu, cùng họ gợi nhớ lại hình ảnh đứa con của bạn từ lúc mới sinh đến giờ. Hiển nhiên là nó vẫn phát triển “rõ ràng là vậy”. Bạn tìm đến một vài chuyên gia nữa xem kết quả thế nào, có trùng với chẩn đoán ban đầu hay không.
Giận dữ: Tâm trạng tiếp theo là một chuỗi ngày dài bạn cảm thấy giận dữ bản thân mình, làm công việc gì bạn cũng hậu đậu bực dọc khó chịu, nhìn ai bạn cũng thấy họ đáng ghét, ngay cả đứa con “nhận được chẩn đoán xấu” ấy, giờ bạn cũng tỏ ra ghét nó không còn cảm thấy nó đáng yêu nữa. Một sắc thái tâm lý mang tính chủ thể mới diễn ra ở bạn, nhìn cái gì cũng ghét, thậm chí bạn tỏ ra ghét cay đắng đứa trẻ hàng xóm không có rối loạn tự kỷ bằng tuổi với đứa con của bạn. Sự giẫn dữ, ghét này nó nhanh chóng lây lan sang tất cả những đứa trẻ khác mà bạn gặp chúng ở thời điểm này.
Thương lượng: Bạn đến thương lượng, trao đổi lại kỹ càng với nhà chẩn đoán, nhờ họ chẩn đoán một cách chính xác các biểu hiện tự kỷ. Hỏi kỹ rằng có thuốc nào uống cho hết hay không? …Khi nhà chẩn đoán tiến hành thử lại các biểu hiện họ đi đến cùng một chẩn đoán như ban đầu. Bao nhiêu trạng thái tâm lý lúc đầu diễn ra tập trung nơi ban “Từ chối, giận dữ, thương lượng” nó tạo nên một vòng xoáy lẩn quẩn những suy nghĩ tiêu cực, chán nản, thất vọng, không chấp nhận, … dẫn bạn đến trạng thái trầm cảm.
Trầm cảm: Là tâm trạng thứ 4 của bạn nó trở thành tâm bệnh khi tập trung cả 3 yếu tố môi trường, sinh lý, tâm lý diễn ra cùng lúc. Bạn cảm thấy mình vô tích sự không thể sinh ra đứa trẻ thông minh, lanh lợi hoặc tại sao mình không sở hữu những đứa trẻ kia, …bạn chán nản, ăn không ngon miệng, ngủ không yên lúc nào cũng nghĩ đến 2 từ đáng sợ kia “tự kỷ”.
Giai đoạn cuối cùng trong năm giai đoạn, sau khi bạn đã trải qua 4 giai đoạn kia đó là “chấp nhận”. Việc chấp nhận, nhìn nhận này xem ra khá khó khăn. Đầu tiên bạn thu thập lại tất cả các sự kiện từ việc nhận kết quả chẩn đoán, tìm kiếm thông tin trên phương tiện truyền thông, trao đổi với người thân, bạn bè, quan sát lại các hành vi của con mình xem có giống với những mô tả chẩn đoán của chuyên gia hay không. Sau cùng bạn cũng chấp nhận nhìn nhận đứa con của mình “đúng là như vậy nó không thể khác hơn trong chẩn đoán” nó “cũng khác hoàn toàn so với hành vi của những đứa trẻ cạnh bên” và rồi “tự kỷ” vẫn là ẩn số của nhân loại không cách phòng ngừa, không dược liệu chữa trị hoàn toàn.
Khi diễn biến tâm trạng thứ 5 kết thúc, tức là lúc bạn nhìn nhận, chấp nhận sự thật rằng con mình “rối loạn tự kỷ”. Lúc này điều thật sự quan trọng và cần kíp là bạn quay trở lại với chuyên gia để đánh giá lại xem con của bạn thuộc loại tự kỷ nào: Rối loạn tự kỷ, Asperger, Herller, Rett, tự kỷ không điển hình (theo ấn bản DSM- IV, 1994).[2]. Sau khi có được kết quả phân loại dạng tự kỷ bạn nên đến các trung tâm, trường chuyên biệt trình bày kết quả đánh giá để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các giáo viên giáo dục đặc biệt, giúp cho con của bạn có được những kỹ năng cần thiết để phát triển.
ThS. Tâm Lí Học Nguyễn Viết Thanh
Tài liệu tham khảo
1. Michael A. Ellis, DO, 2018, bài viết: “Tự kỷ: Tôn giáo và tâm linh” đăng trên tạp chí Psychology Today ngày 24/9/2018.
2. American Psychiatric Association (APA) (1994), Diagnostic And Statistical Manual Of Mental Disorders - DSM 4, Washington, DC, London, England.
THAM VẤN TRỊ LIỆU TÂM LÍ THIÊN ÂN
Địa chỉ: Số 21/3, đường Yersin, tổ 4, Khu phố 1, Phường Phú Cường,
TP. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.
Hotline: 034.4004.780 – 0972.120.601
Webisite: www.thamvantrilieutamlythienan.com
Email: Thamvantrilieutamlythienan@gmail.com - Thanhnguyentlh2806@gmail.com
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- MỐI QUAN HỆ GIỮA RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ GIẤC NGỦ
- QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH TRẺ TỰ KỶ & CÁC RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN KHÁC
- EINSTEIN MỘT NHÀ VẬT LÝ HỌC VĨ ĐẠI VỚI NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘI CHỨNG ASPERGER – TỰ KỶ CHỨC NĂNG CAO
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý KHÔNG BIẾN MẤT KHI ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH
- RỐI LOẠN THAM GIA XÃ HỘI – MỐI NGUY ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ AN TOÀN CỦA TRẺ
- TUỔI THỌ NGẮN Ở NHỮNG NGƯỜI RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ
- RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ VÀ ADHD: TƯƠNG ĐỒNG – KHÁC BIỆT
- TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ CŨNG CÓ THỂ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD)
- SỰ PHÁT TRIỂN TỐT/XẤU CỦA TRẺ PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO CHA MẸ
- RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN TUỔI THỌ
- RỐI LOẠN GIÁC QUAN - MỘT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN TỰ KỶ
- PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP/TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ